Ngày 17-10 tại TP HCM, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2030.
Theo chiến lược xuất khẩu gạo đến năm 2030, trong 4 triệu tấn gạo xuất khẩu, 25% là nếp (1 triệu tấn) nhưng sản lượng hiện tại đã vượt xa con số này. Trong đó, hơn 90% lượng nếp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đây chính là lo ngại của các chuyên gia khi nông dân mở rộng trồng nếp để đáp ứng nhu cầu này.
Chuyển gạo xuống ghe để đưa ra cảng xuất khẩu Ảnh: VƯƠNG NGỌC
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, cho rằng Việt Nam đang độc quyền cung cấp nếp cho Trung Quốc và thương nhân nước này cần nếp của Việt Nam. Theo ông, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng mua của Việt Nam 2 triệu tấn nếp/năm để dùng làm nguyên liệu cho các mặt hàng chế biến mà nước này có thế mạnh. Đáng chú ý, mặt hàng nếp không bị điều tiết bởi hạn ngạch (quota), thương nhân có thể nhập theo nhu cầu, chỉ cần đóng thuế theo quy định. Trong khi đó, đối với gạo, kể cả khi thị trường Trung Quốc có nhu cầu mà không có hạn ngạch thì cũng không thể nhập khẩu.
Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết nhu cầu thế giới đối với mặt hàng nếp khá ổn định. Việt Nam, Thái Lan là 2 nước xuất khẩu nếp chính trên thế giới. Trong cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu 9 tháng đầu năm, nếp đứng vị trí thứ 3 (ông Huệ không cho biết tỉ lệ thị phần cụ thể).
Theo VFA, trong chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo giai đoạn 2017-2020, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 4,5-5 triệu tấn gạo/năm, kim ngạch bình quân 2,2-2,3 tỉ USD/năm, trong đó nếp chiếm 20%. Đến giai đoạn 2021-2030, giảm lượng xuất khẩu gạo xuống còn khoảng 4 triệu tấn/năm nhưng kim ngạch dự kiến tăng lên 2,3-2,5 tỉ USD/năm nhờ đi vào các chủng loại giá trị cao, trong đó nếp chiếm tỉ trọng khoảng 25%.
Tuy nhiên, riêng năm 2017, VFA dự báo Việt Nam có thể xuất khẩu tới 5,6 triệu tấn gạo, tăng 700.000 tấn so với năm 2016 và là một năm thành công của nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu. Đến nay, khó khăn của DN không phải là đầu ra mà chính là nguồn cung cấp trong nước có thể bị thiếu hụt, giá cao. Do đó, các nhà quản lý khuyên DN chỉ nên ký hợp đồng khi đã có gạo sẵn trong kho để tránh gặp rủi ro về giá.
Bà Dương Ngọc Mai, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, cho hay vụ mùa năm 2016-2017, nhu cầu tiêu thụ gạo của Trung Quốc lên đến 144 triệu tấn (trong đó nhập khẩu 3,5 triệu tấn), bằng 30% tổng nhu cầu trên thế giới.
Sẽ giảm điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, cho biết dự thảo thay thế Nghị định 109/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ký ban hành. Theo đó, kinh doanh xuất khẩu gạo là ngành nghề có điều kiện nhưng điều kiện đã giảm so với trước. Đáng chú ý, DN không cần đầu tư kho có sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa như hiện nay. Công suất chứa của các kho hiện hữu đã đạt trên 6 triệu tấn, vượt nhu cầu nên DN có thể thuê kho có sẵn. Ngoài ra, DN cũng không cần phải làm thủ tục đăng ký xuất khẩu với VFA.