Sản phẩm tiêu biểu

Sản phẩm được quan tâm nhiều nhất tại Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Tiến Thịnh Phát

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến 9

Hôm nay 88

Hôm qua 161

Tháng trước 3341

Tổng truy cập 169124

Kinh doanh xuất khẩu gạo: nên bỏ các điều kiện bất hợp lý

Đăng lúc 03:50 AM ngày 12.12.2016 485

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã gửi bản kiến nghị bỏ hàng loạt các điều kiện kinh doanh- trong đó có điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo- được bổ sung vào dự luật sửa đổi bổ sung danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào ngày mai 18-11. Doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo nói gì về vấn đề này khi quy định hiện hành là Nghị định 109 vẫn đang cản trở cơ hội xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp nhỏ.

Nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo phải có một kho chuyên dụng sức chứa tối thiểu 5.000 tấn phù hợp quy chuẩn chung theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; có ít nhất một cơ cở xay xát lúa gạo công suất tối thiểu 10 tấn/giờ; phải xuất khẩu tối thiểu 10.000 tấn gạo/năm, nếu không bị rút giấy phép kinh doanh…

“Cắt đứt” cơ hội tiếp cận thị trường của doanh nghiệp 

Ông Võ Minh Khải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Sản xuất Viễn Phú, cho biết: "Thực tế thời gian vừa qua, với những quy định của Nghị định 109, nhất là quy định số lượng xuất khẩu (tối thiểu 10.000 tấn/năm) đã cản trở cơ hội tiếp cận thị trường của không ít doanh nghiệp và trao cơ hội cho các doanh nghiệp “đại gia” khác".

Theo ông Khải, thị trường là đa dạng nên đâu phải chỉ một vài doanh nghiệp lớn mới làm được, còn doanh nghiệp nhỏ, trung bình làm không được. “Vấn đề ở đây là giá xuất khẩu phải bằng và cao hơn giá sàn quy định, thì thị trường sẽ không bị hỗn loạn”, ông cho biết.

Ông Khải cho rằng phải làm sao tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp và không làm rối loạn thị trường, đặc biệt với những doanh nghiệp vừa xuất khẩu và tự sản xuất, thì càng phải khuyến khích, mở hơn nữa. “Việc Nhà nước sợ rối loạn thị trường thì kiểm soát bằng giá sàn, chứ không nên quy định số lượng bán ra. Anh có thể bán 3.000 tấn, 5.000 tấn hay 10.000 tấn gì đó không biết, nhưng không được thấp hơn mức giá quy định”, ông nói.

Không còn phù hợp thì nên bỏ

Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát, cho rằng khi Nhà nước đề ra một quy định gì đó, nếu có tác động tích cực thì ủng hộ, còn không thì không nên cho tồn tại tiếp, bởi không khéo sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp.

Theo ông Tuấn, trước đây Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo có điều kiện ra đời là để doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc nhằm có đủ điều kiện hoạt động cho chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng gạo; khuyến khích doanh nghiệp gắn bó lâu dài, bởi có đầu tư thì mới gắn bó lâu dài với ngành lúa gạo. Một lý do nữa là lúc bấy giờ vẫn đặt nặng vấn đề an ninh lương thực, tức khi doanh doanh mua bán phải có kho để khi ký hợp đồng có sẵn "chân hàng", tránh chuyện biến động giá cả. Lúc đó trong mấy trăm đơn vị xuất khẩu, thậm chí có những đơn vị bán chỉ 1-2 container gạo, nhưng cũng có doanh nghiệp bán mấy trăm ngàn tấn/năm, nên có quy định xuất khẩu tối thiểu 10.000 tấn/năm (thấp hơn sẽ bị rút giấy phép) nhằm tránh bán phá giá, gây khó khăn cho những doanh nghiệp bán số lượng lớn đi đàm phán.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, hiện nay tất cả những yếu tố đó đã thay đổi nên sự tồn tại của Nghị định 109 là không cần thiết.

Cụ thể, theo ông, thứ nhất Việt Nam đã tham gia một số hiệp định thương mại tự do, đi vào nền kinh tế thị trường nên không cần phải ràng buộc cấm hay không cấm nữa, mà nên buôn bán tự do; thứ hai, khái niệm về an ninh lương thực cũng nên thay đổi. Ví dụ, ngày xưa đặt mục tiêu an ninh lương thực để sản xuất nhiều và xuất khẩu lúc bấy giờ 7-8 triệu tấn gạo/năm để cuối cùng lo an ninh lương thực luôn cho cả khu vực. Nhưng điều này không đem lại thu nhập cao cho nông dân và bây giờ lúa gạo cứ ba tháng có một vụ nên không nhất thiết đặt nặng an ninh lương thực như vậy nữa.

Ông Tuấn cho rằng bây giờ nên tự do hóa, không nên giữ nghị định đó nữa bởi có nhiều doanh nghiệp buôn bán thì người sản xuất (nông dân) mới có lợi. Việc bắt buộc doanh nghiệp một năm phải bán 10.000 tấn nếu không sẽ rút giấy phép sẽ tạo ra áp lực và doanh nghiệp bằng mọi cách phải bán, bán huề, bán lỗ chút đỉnh cũng phải bán để duy trì giấy phép. “Thành ra, nói ngắn gọn lại, nếu duy trì nghị định này nó sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp”, ông khẳng định.

Duy trì, nhưng sửa những quy định không còn phù hợp

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng đưa xuất khẩu gạo vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là đúng. Nhưng, có một số quy định không phù hợp thì phải chỉnh sửa, chứ bãi bỏ hoàn toàn thì không nên.

Theo ông Bình, những điểm không phù hợp là khi doanh nghiệp đã đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, tức đã có kho chứa, có nhà máy, thì lẽ ra họ được quyền xuất khẩu gạo đi bất cứ nơi đâu và chỉ cần kê khai qua hải quan theo luật định thôi. Nhưng, quy định lại bắt buộc phải đăng ký qua Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) là một điều vô lý. “Đăng ký qua VFA là một điều vô lý. Không lẽ VFA quyết định xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp hay sao? Đây là cái bất hợp lý”, ông nói.

Theo ông Binh, có một số doanh nghiệp muốn bãi bỏ Nghị định 109 vì không muốn xây dựng vùng nguyên liệu, không chịu liên kết, muốn xuất theo kiểu phá giá, cho nên, kinh doanh gạo có điều kiện là cần thiết và phải nhìn vào tổng thể của ngành, chứ không thể nhìn vào một vài doanh nghiệp được.

Một lần nữa ông Bình khẳng định, kinh doanh xuất khẩu gạo thời gian tới vẫn phải là ngành có điều kiện, không thể thả nổi. “Nhưng, Nghị định 109 có một số điều quy định bất hợp lý, thì nên xem xét bãi bỏ cho hợp lý”, ông cho biết.

Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, cho rằng phải nhìn nhận ở hai góc độ là tại sao có Nghị định 109 và quá trình thực hiện có bất cập gì?

Theo ông, điều đầu tiên phải thấy sự cần thiết để ban hành Nghị định 109 vì trong suốt một thời gian dài có sự lộn xộn trong kinh doanh xuất khẩu gạo, cần phải sắp xếp lại và sau đó đã có hơn 100 doanh nghiệp được xác định là đầu mối xuất khẩu gạo trực tiếp, đáp ứng được những điều kiện quy định trong Nghị định 109.

Thế nhưng, một số vấn đề được đặt ra, đó là điều kiện về kho bãi, vùng nguyên liệu, điều kiện hợp đồng…, thì thực tiễn không đáp ứng được điều đó. Có trường hợp, những hợp đồng là để hợp thức hóa điều kiện, cho nên, để thay đổi một chính sách cần phải rà soát, đánh giá, tổng kết thật sâu, nhất là khi nó nâng lên thành luật.

Theo ông Hiệp, nếu không có công cụ quản lý, thì trở nên bát nháo, nhưng "bó" quá thì cũng sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.


Tin cùng chuyên mục