Thực hiện sản xuất trên cánh đồng lớn, người dân chủ động được tưới tiêu nước; cơ giới hóa toàn bộ khâu làm đất, thu hoạch. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất trên cánh đồng lớn qua việc thực hiện mô hình hợp tác, liên kết sản xuất lúa gắn với tiêu thụ nông sản.
Kết quả cho thấy, tại cánh đồng lớn ở vụ lúa Đông Xuân, năng suất tăng hơn 3%, giá thành sản xuất giảm 20% và lợi nhuận tăng hơn 21%. Vụ lúa Hè Thu, năng suất tăng gần 9%, giá thành sản xuất giảm gần 20% và lợi nhuận tăng gần 45%. Vụ lúa Thu Đông, năng suất tăng hơn 11%, giá thành sản xuất giảm gần 6% và lợi nhuận tăng hơn 17%.
Ông Lê Văn Đời cho biết, mô hình cánh đồng lớn tại Hậu Giang là phương thức sản xuất tiên tiến, góp phần tạo động lực mới trong sản xuất nông nghiệp. Hiện ngành nông nghiệp chỉ đạo triển khai mô hình ra toàn tỉnh. Từ đó từng bước gắn kết sản xuất với tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi giá trị, tạo sự đồng nhất về chất lượng hạt gạo theo nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó sẽ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ từ nhà nước và doanh nghiệp đến với nông dân thông qua cây giống, vật tư nông nghiệp và giá thu mua nông sản.
Đến nay, Hậu Giang có hàng nghìn hộ dân và 13 doanh nghiệp tham gia sản xuất tại cánh đồng lớn; trong đó, 9 doanh nghiệp đăng ký thực hiện hợp tác, liên kết bao tiêu sản xuất lúa gạo. Nhiều doanh nghiệp khác khảo sát, chọn vùng và có văn bản đề xuất chủ trương tham gia thực hiện hợp tác, liên kết bao tiêu với nông dân.
Theo TTXVN.