Sản phẩm tiêu biểu

Sản phẩm được quan tâm nhiều nhất tại Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Tiến Thịnh Phát

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến 3

Hôm nay 108

Hôm qua 114

Tháng trước 2773

Tổng truy cập 145931

Bệnh bạc lá lúa ảnh hưởng xấu đến năng suất vụ mùa 2016

Đăng lúc 04:52 AM ngày 19.12.2016 543

Vụ mùa năm 2016, do ảnh hưởng liên tiếp của nhiều đợt giông bão cộng thêm yếu tố giống và các kỹ thuật chăm bón không hợp lý đã làm bệnh bạc lá lây lan rộng, hàng chục nghìn ha lúa mùa tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía Bắc bị thiệt hại. Tại Ninh Bình, tổng diện tích nhiễm bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn lên tới gần 8 nghìn ha, nhiều diện tích bị ảnh hưởng năng suất.

Diện tích nhiễm bệnh tăng

Những ngày này, nông dân ở khắp các địa phương trong tỉnh đang tập trung thu hoạch lúa mùa, tuy nhiên một số diện tích năng suất giảm so với vụ mùa trước. Tại xã Khánh Vân, huyện Yên Khánh, màu vàng óng trải đều của những cánh đồng mùa gặt được thay thế bằng những mảng màu xám tối xen lẫn. 

Ngồi bệt bên bờ ruộng chờ máy gặt thu hoạch, bà Nguyễn Thị Lợi, thôn Tân Lai thở dài: “Năm nay làm ruộng vất vả quá cô ạ! Bão số 1 gây ngập úng, hết lo tháo nước cứu lúa đến lo tỉa dặm, chăm bón cho cây lúa hồi phục. Lúa tốt lên được mấy hôm chưa kịp mừng thì lại bị dịch bệnh, phun thuốc 2-3 lượt không khỏi, lúa chưa trỗ thì bộ lá đã cháy xám gần hết. 

Không biết gia đình có thu nổi 1 tạ/sào không?”. ở thửa ruộng bên, bà Hoàng Thị Nguyệt cũng cho biết: “Hai vợ chồng già cấy 4 sào lúa tám thơm để lấy gạo ăn. 

Đầu vụ thời tiết bất thuận, cây lúa xấu tôi đã phải bón tăng đạm mong cho lúa được mùa. Vậy mà chỉ trong thời gian ngắn, đám ruộng của gia đình cũng như của nhiều bà con khác trông đã xơ xác như không có người chăm bón, bông lúa thì có nhưng hạt thì lép hết cả”.

Còn tại xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh, gia đình ông Nguyễn Đức Lợi cấy 1 mẫu lúa nhưng một nửa sử dụng giống LT2 bị mất mùa do bệnh bạc lá hoành hành, nửa còn lại cấy giống Khang dân thì không bị ảnh hưởng gì. Ông Lợi cho hay, vụ này hầu như lúa nhà nào cũng bị bạc lá. 

Bệnh phát sinh sớm, trước khi lúa trỗ thì năng suất còn 1 tạ/sào, bị sau trỗ thì còn 1,2-1,3 tạ/sào. Nhiều nông dân cho biết, khi thấy lúa có biểu hiện bệnh họ đã phải huy động sức lực để “dập”. Mệt mỏi, tốn kém bởi ngoài tiền thuốc còn phải thuê người phun nhưng kết quả lúa vẫn nhiễm bệnh.

Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: Vụ mùa 2016 này, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn phát sinh sớm hơn trung bình nhiều năm; quy mô và mức độ gây hại của bệnh cũng cao hơn trung bình nhiều năm và cao hơn vụ mùa năm trước. 

Bệnh phát sinh từ ngày 5-8 trên lúa mùa sớm ở giai đoạn lúa phân hóa đòng và gây hại cục bộ trên các giống nhiễm như LT2, Bắc thơm số 7, Nhị ưu 838, diện bón thừa đạm, bón không cân đối. 

Các huyện Yên Mô, Yên Khánh diện tích bị hại nhiều. Bệnh tăng chủ yếu trên các trà lúa cấy và một số diện tích gieo sạ bón nhiều đạm sau cơn bão số 3. 

Tiếp theo, nửa cuối tháng 9 bệnh tiếp tục hại tăng trên trà lúa gieo sạ và trà mùa trung ở huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô; tỷ lệ hại trung bình 10%, nơi cao 40-50%, cá biệt nhiều diện tích tỷ lệ bệnh lên tới 70-100%. 

Mặc dù, cuối tháng 8, Chi cục đã có thông báo số 15 về tình hình bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn hại lúa vụ mùa 2016, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin các biện pháp phòng trừ kịp thời nhưng do điều kiện thời tiết nên đến nay, tổng diện tích nhiễm bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn trên địa bàn tỉnh là gần 8 nghìn ha, cao gấp 7 lần so với vụ mùa năm 2015. Trong đó, diện tích nhiễm nặng gần 2.500 ha, gấp 17,6 lần so với vụ mùa năm trước.

Tăng cường nhận thức về bệnh bạc lá trong nhân dân

Phân tích về nguyên nhân phát sinh và gây hại nghiêm trọng của bệnh bạc lá trong vụ mùa này, bà Đỗ Thị Thao, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: Có ba nguyên nhân chính dẫn đến bệnh bạc lá hoành hành trong vụ mùa này. Đầu tiên phải kể đến việc bố trí cơ cấu giống lúa trong vụ mùa của các địa phương hiện nay. 

Các giống như LT2, Bắc thơm số 7... vẫn còn gieo cấy với tỷ lệ cao, đặc biệt là tại các huyện Yên Mô, Kim Sơn, Yên Khánh, đây là nhóm giống nhiễm nặng bệnh bạc lá. 

Thứ hai là do thời tiết vụ mùa năm 2016 rất thuận lợi cho bệnh bạc lá, ngay từ cuối tháng 7, cơn bão số 1 đã gây mưa to và gió giật mạnh làm cho nhiều diện tích lúa cấy đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh bị dập nát, tạo điều kiện cho bệnh bạc lá phát sinh sớm hơn năm trước. 

Ngoài ra, do ảnh hưởng liên tục của các cơn bão số 2 và số 3, có nhiều đợt mưa giông nên lượng đạm tự nhiên được bổ sung liên tục cho cây lúa, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh bạc lá phát sinh và gây hại với quy mô và mức độ cao hơn vụ mùa 2015. 

Nguyên nhân thứ 3 rất quan trọng đó là nhận thức của đại bộ phận nông dân về các biện pháp phòng, chống bệnh bạc lá còn hạn chế. Bạc lá là một bệnh do vi khuẩn gây ra, rất khó diệt trừ vì nó liên quan đến nhiều yếu tố, sử dụng biện pháp thâm canh, biện pháp giống… để phòng là chính. Nhưng thực tế, nhiều hộ nông dân còn sử dụng phân bón chưa đúng kỹ thuật, còn bón nhiều đạm, bón muộn, bón không cân đối. 

Đặc biệt ở vụ mùa 2016, do ảnh hưởng của cơn bão số 1, gây ngập úng, nhiều diện tích lúa bị ảnh hưởng nên nhiều hộ dân đã bón tăng lượng đạm cho lúa. 

Bệnh bạc lá, một khi đã biểu hiện ra bên ngoài, phun thuốc gần như vô tác dụng nhưng nông dân vẫn cứ phun trừ, thậm chí phun nhiều lần và cộng nhiều loại thuốc cùng một lúc. Điều này vừa gây lãng phí, vừa ảnh hưởng lớn đến môi trường.

Biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, các đối tượng dịch hại cũng vì thế mà phát sinh, gây hại nhiều hơn, đặc biệt là bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn.

Theo ý kiến của các chuyên gia, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bệnh gây ra, trong thời gian tới các địa phương nên mạnh dạn thay đổi cơ cấu giống. Hạn chế gieo cấy các giống nhiễm bệnh bạc lá nặng như LT2, Bắc thơm số 7 trong vụ mùa, nhất là ở các chân đất, các vùng thường xuyên bị nhiễm bệnh bạc lá ở các vụ sản xuất trước. 

Đặc biệt, khi lúa đã bị bệnh bạc lá, cán bộ BVTV các địa phương cần cảnh báo người dân không nên phun thuốc tràn lan. Những vùng nguy cơ không cao, mới chớm bệnh có thể sử dụng thuốc ở một diện tích nhất định kết hợp với chăm bón cân đối, khoa học. 

Nhưng những diện tích bệnh nặng thì không nên phun mà cần tập trung vào chăm sóc để nâng cao khả năng miễn dịch. áp dụng các biện pháp canh tác lúa cải tiến, cấy thưa, thông thoáng, bón ít đạm để hạn chế được vi khuẩn lây lan phát triển.

Được biết, hiện ngành nông nghiệp đang tiếp tục khảo nghiệm các giống lúa có khả năng kháng bệnh bạc lá cũng như các loại thuốc mới có khả năng phòng trừ bệnh hiệu quả cao hơn.

Hà Phương


Tin cùng chuyên mục